Khi thị trường là màu đỏ
Sau khi dịch COVID-19 không còn nằm trong biên giới của Trung Quốc mà bắt đầu xuất hiện tại nhiều quốc gia, với sự nhanh nhạy của mình Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), Mỹ có kế hoạch tổ chức một loạt các hội thảo tại nhiều thành phố của nước Mỹ và ở một số nước với thời gian từ 11/3 - 3/4. Song, cuối cùng, CFR phải hủy tất cả những hội thảo này vì COVID-19; rất nhiều bạn đọc tỏ ra thú vị với thông tin này. Dẫn câu chuyện để cho thấy, với việc WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu thì cách tốt nhất là doanh nghiệp không làm gì cả, kể cả việc không xem bảng điện tử mỗi ngày.
Thực tế cho thấy, tác động của COVID-19 là rất lớn vì ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực khác nhau, cuộc sống gần như đảo lộn, nhiều doanh nghiệp như đang ở trong thời kỳ đóng băng khi hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ. Trước tình hình này, không chỉ có Việt Nam mà có rất nhiều nước khác đều có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, mới nhất là Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19, trong đó, điểm đáng chú ý gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Như vậy, trong thời gian tới, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng sẽ tiếp nhận được nguồn tiền này. Nếu Việt Nam có thể đưa ra gói tín dụng cho doanh nghiệp thì các nước khác cũng sẽ làm điều tương tự. Lúc này có thể hình dung ra tình cảnh tiền là thứ mà doanh nghiệp không thiếu, nhưng cái thiếu là nguồn hàng.
Dự báo sôi động từ quý III
Trong bài viết phân tích về những tác động của COVID-19 đối với ngành hàng thủy sản trên chuyên trang thefishsite.com, tác giả Rob Fletcher dẫn lại nhận định của chuyên gia đến từ Rabobank bà Beyhan de Jong rằng, trong quý II, kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi nhưng đây chỉ là thời gian “khởi động” và chỉ bùng nổ trong quý III, quý IV/2020.
Trong bài viết này, bà Beyhan de Jong cho biết, nguồn thủy sản cung cấp cho đa số người dân Trung Quốc chủ yếu là tại chỗ nhưng không đủ và phải nhập khẩu từ các nước. Để đáp ứng cùng thực phẩm cho nhu cầu của người dân, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu từ các quốc gia ở phía nam như Việt Nam, Thái Lan hay Singapore.
Hãy tưởng tượng, sau khi Trung Quốc kiểm soát được COVID-19, họ sẽ làm gì? Dĩ nhiên, sẽ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Trung Quốc là công xưởng của thế giới, họ cần nguồn cung từ các nước, kể cả thực phẩm để nuôi sống người dân. Việt Nam - “Bếp ăn của Thế giới” là điểm đến của doanh nghiệp Trung Quốc. Lúc đó, những doanh nghiệp thủy sản sẽ có rất nhiều đơn hàng.
Không chỉ vậy, Nhật Bản cũng cần nhập khẩu một khối lượng thực phẩm để chuẩn bị cho Olympic 2020 diễn ra vào đầu tháng 7/2020. Nhật hay Trung Quốc là hai trong bốn thị trường nhập khâu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Do đó, lúc này, thay vì không làm gì, doanh nghiệp thủy sản phải có những hoạt động tích lũy hàng hóa để bán cho hai thị trường này vào những tháng tới.
Bên cạnh đó, trong thời gian này, đây là dịp để doanh nghiệp nhìn lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm cách cắt giảm các chi phí, tổ chức lại bộ máy điều hành sao cho tinh gọn mà hiệu quả. Có thể nói, đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp chuẩn bị cho những bước dài của những tháng cuối năm. Do đó, các doanh nghiệp chủ động hoạt động sản xuất từ bây giờ còn không nước đến chân mới nhảy thì sẽ chậm chân trong chuyến tàu này.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, mặc dù còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch COVID-19, giá cá tra giảm, xâm nhập mặn, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát An toàn thực phẩm trên cá tra và các sản phẩm Silurifomes do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cạnh tranh hơn, trong đó có việc mở lại thị trường Ả Rập Saudi.
Như vậy có thể thấy, trong thời gian tới, cánh cửa xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản rất rộng mở và gần như những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như Mỹ, châu âu, Nhật Bản, Trung Quốc đều có những tín hiệu tích cực. Lúc này, điều cần làm của những người đứng đầu doanh nghiệp thủy sản là đừng quá chú tâm vào những con số trên bản điện tử mà tập trung mọi nguồn lực cho tương lai.
Theo: thuysanvietnam.com.vn